Theo Thống kê Vụ Thanh toán, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 11% tổng giao dịch và do một người thực hiện nhiều giao dịch, nên số lượng người thực hiện các giao dịch trên 10 triệu đồng chiếm không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu/ngày chỉ chiếm có 0,56%.

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, bắt đầu từ ngày mai (1/7), nếu không xác thực khuôn mặt thì những giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng có giá trị trên 10 triệu đồng 1 lần hoặc 20 triệu đồng 1 ngày sẽ không thực hiện được trên tất cả các app ngân hàng. Ngoài ra, người muốn nạp tiền vào ví điện tử từ trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch liên ngân hàng ra nước ngoài đều được yêu cầu phải xác thực với dấu hiệu sinh trắc học được kiểm tra đảm bảo.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã chủ động triển khai giải pháp thu thập sinh trắc học từ quý I/2024. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã thông báo rầm rộ tới khách hàng qua các kênh thông tin như SMS, thông báo trên website ngân hàng, các app (ứng dụng) ngân hàng số,...Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn không ít khách hàng chưa thực hiện, hoặc chưa thực hiện thành công việc xác thực khuôn mặt.

Các ngân hàng gửi thông báo xác thực khuôn mặt tới khách hàng.

Vậy, những người dân không xác thực khuôn mặt, các giao dịch có bị gián đoạn?

Trả lời câu hỏi này của PV, Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, các ngân hàng thương mại sẽ không ngừng dịch vụ, thay vào đó các giao dịch sẽ được chuyển về phục vụ tại quầy. Ông Tuấn cho rằng, động thái này trước hết để đảm bảo cho chính khách hàng đó. Mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch.

Ông cũng lưu ý rằng, không phải tất cả các giao dịch chuyển tiền, khách hàng đều phải xác thực sinh trắc học, mà chỉ những khoản tiền có từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng mới phải xác thực sinh trắc học.

Đối với những khách hàng chưa có CCCD gắn chip và những khách hàng chưa thể cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng và được xác thực đã hoàn thành do lỗi kỹ thuật từ hệ thống, khi thực hiện giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu trở lên phải ra quầy thực hiện giao dịch và xác thực tại quầy.

Những khách hàng đã xác thực thành công dữ liệu sinh trắc học trên app ngân hàng, song khi thực hiện giao dịch, dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng nếu không khớp với dữ liệu trong CCCD gắn chip (do thay đổi một số nét trên khuôn mặt dẫn tới dữ liệu không trùng khớp) tại thời điểm thực hiện giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào ví điện tử hay chuyển tiền liên ngân hàng hoặc thanh toán các giao dịch khác với giá trị lớn, khách hàng buộc phải ra quầy giao dịch nếu có nhu cầu.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với những khách hàng chưa có CCCD gắn chip (có CCCD hoặc CMND còn thời hạn hiệu lực theo quy định của pháp luật) hoặc khách hàng là người nước ngoài hay khách hàng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, để thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng, khách hàng chỉ phải thực hiện đăng ký 1 lần duy nhất thông tin sinh trắc học tại quầy với ngân hàng, sau đó khách hàng có thể thực hiện giao dịch thông qua ứng dụng Mobile Banking/ Internet Banking, không phải ra quầy.

Về phía các ngân hàng thương mại, BIDV đã chủ động xây dựng phương án hỗ trợ cài đặt bằng phần mềm chuyên dụng, trực tiếp tại các chi nhánh/phòng giao dịch BIDV trên toàn quốc đối với trường hợp thiết bị khách hàng không hỗ trợ NFC; khách hàng chưa có CCCD gắn chip (chỉ có chứng minh nhân dân hoặc CCCD không gắn chip còn thời hạn sử dụng) và các khách hàng cá nhân là người nước ngoài.

Tại HDBank, theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Dũng- Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số HDBank: Với ứng dụng công nghệ hiện đại của HDBank, khách hàng chỉ mất khoảng 1 phút để thực hiện xác thực sinh trắc học. Đây là một trong những giải pháp đảm bảo an toàn, cần thiết cho khách hàng trong thời điểm các vụ gian lận và lừa đảo giao dịch có dấu hiệu tăng mạnh. Trường hợp thiết bị chưa có hỗ trợ NFC hoặc chưa có HDBank Mobile Banking, ông Dũng cho biết, khách hàng mang theo CCCD gắn chip đến điểm giao dịch HDBank gần nhất để được hỗ trợ.

Trường hợp không có tài khoản định danh điện tử mức 2 hoặc điện thoại không có NFC hoặc chưa có CCCD gắn chip, hoặc vì một lý do nào đó mà không thể thực hiện được online, khách hàng của Vietcombank có thể đến các điểm giao dịch của nhà băng này để cập nhật thông tin sinh trắc học.

Lãnh đạo Vietcombank cũng lưu ý, khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng. Nếu thông tin cá nhân và thông tin sinh trắc học có thay đổi, khách hàng cần cập nhật bổ sung (không hạn chế số lần cập nhật).

Khách hàng thực hiện xác thực khuôn mặt trên app ngân hàng.

Riêng đối với trường hợp khách hàng là người nước ngoài, do không có CCCD gắn chip và chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khách hàng cần đến trực tiếp điểm giao dịch của các ngân hàng (bất kỳ điểm giao dịch nào) với hộ chiếu và giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú còn hiệu lực để xác thực hình ảnh chân dung khuôn mặt.

Với một số trường hợp đặc biệt như người chuyển giới, người có phẫu thuật thẩm mỹ..., theo lãnh đạo ngân hàng, đây là nhóm khách hàng không thể xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Do đó, các khách hàng này cần liên hệ trực tiếp các điểm giao dịch của ngân hàng. Khi đó, nhân viên ngân hàng sẽ hỗ trợ cho việc đăng ký sinh trắc học khuôn mặt theo quy định từ Ngân hàng Nhà nước.

Khách hàng thực hiện xác thực sinh học học bằng khuôn mặt tại quầy của TPBank.

Ngoài ra, với một số dòng điện thoại không có xác thực khuôn mặt, khách hàng không thể cài sinh trắc học, khi thực hiện giao dịch chỉ thực hiện tại các quầy giao dịch ngân hàng.

"Tuy nhiên, tất cả smartphone đều có quét khuôn mặt. Nếu dùng featue phone - điện thoại "cục gạch" thì không dùng được Mobile app. Do đó, với các giao dịch chuyển tiền khách hàng buộc phải dùng Web hoặc ra quầy", Giám đốc ngân hàng số tại một ngân hàng cho hay.